Ngôi trường mang tên “hi vọng”

TT – Ngôi trường đặc biệt ấy được hình thành từ chính những người mẹ có con bị bệnh tự kỷ với hi vọng núm ruột của mình sẽ được là người bình thường.

Trường – của – mẹ nằm trong con hẻm 53 đường Lê Hồng Phong, phường 7, TP Vũng Tàu. Học trò là những “giọt máu” rứt ruột sinh ra của “cô giáo”, nhưng là những đứa trẻ mà trí não và tâm hồn dường như cứ ngủ yên trong hình hài phát triển.

Ngôi trường là công trình được hình thành sau bốn năm trời của những người mẹ có con bị bệnh tự kỷ với khát khao tìm một lớp học cho con, với khát khao con được đến trường…

Hành trình của những người mẹ…

2 1

 

Các giáo viên trẻ dạy kỹ năng và trị liệu bằng phương pháp vận động cho trẻ tự kỷ tại Trường mầm non Phước An Ảnh: Lưu Trang

 

Bé Tài mới 14 tuổi đã cao khoảng 1,86m, tồng ngà tồng ngồng, mồm huýt sáo lơ đễnh. Ngoại trừ đôi mắt cứ thao láo ngó nghiêng như treo đâu ngoài cửa sổ, Tài đã biết làm toán, đọc chữ và tự tắm rửa, mặc áo quần, biết ôm hôn mẹ khi muốn xin đồ ăn, biết nghe lời khi bị cấm. Cậu bé là học trò đầu tiên của lớp học chuyên biệt ở ngôi trường này. Mẹ Tài nay đã là chủ trường, vừa dạy con mình vừa dạy “con người ta”.

Người mẹ ấy tên Lê Thị Chính Lan (sinh 1969) – hiệu trưởng Trường mầm non Phước An, TP Vũng Tàu. Năm 1998, gia đình chị khủng hoảng khi phát hiện đứa con trai 4 tuổi có nhiều triệu chứng của bệnh tự kỷ. Bé rối loạn ngôn ngữ và năm giác quan, thường hoảng sợ từ chối mọi thứ xung quanh. Người mẹ bỏ việc, lặn lội đưa con đi không biết bao nhiêu bệnh viện, nhà thuốc đông y ba miền, nhưng vẫn không tìm được phương pháp dạy và điều trị phù hợp cho bé.

Mất ba năm châm cứu, bốn năm gửi con đi học ở các trường chuyên biệt tại TP.HCM nhưng không ăn thua, lòng chị chưa phút nào yên, cứ đau đáu một hi vọng con sẽ hồi phục nếu gặp được “thầy” giỏi. Tài càng lớn, cơ hội phục hồi càng giảm. Trong cuộc kiếm tìm tưởng chừng vô vọng, chị gặp những người mẹ khác cũng đang ôm con chạy đôn chạy đáo. Đó là chị Lê Thị Nga, một giáo viên dạy cấp III ở TP Vũng Tàu; chị Minh Đức, một bà mẹ đang đằng đẵng đi tìm chỗ học cho đứa con tự kỷ; rồi những chị Hà, chị Dung… cùng chung nghịch cảnh.

Họ gặp nhau và khóc vì đồng cảm, vì nỗi xót con, vì chia sẻ chút hi vọng mong manh rằng con họ sẽ tìm được một phương thuốc hay, một bác sĩ giỏi hay một ngôi trường nào đó. Kiệt sức vì cứ mỗi lần hi vọng được nhen lên thì lại phải nghe những lời khuyên dập tắt hi vọng ấy: “Con chị chậm phát triển!”, “Chịu thôi!” hay: “Không can thiệp được nữa”…

Năm 2006, khi đưa bé Tài trở về từ TP.HCM sau 4 năm trị liệu mà không hiệu quả, chị Lan đánh liều xin mượn một phòng học không sử dụng trong một trường mầm non ở gần nhà để làm lớp học cho các bé bị bệnh tự kỷ. Chị nghĩ đến việc chính mình và những bà mẹ khác sẽ là giáo viên, tự “can thiệp”, chữa bệnh cho con bằng những kiến thức chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và học qua các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia trị liệu suốt tám năm ròng. Tháng

10-2006, lớp học cho trẻ chuyên biệt được khai giảng với vỏn vẹn bốn học sinh tự kỷ – con của những người mẹ cùng cảnh ngộ.

Lớp học mang tên “hi vọng”

Phòng học chỉ vẻn vẹn 12m2 – nơi các mẹ và các con toát mồ hôi tập các bài tập vận động và trị liệu thần kinh, nơi những người mẹ vừa là bác sĩ vừa là giáo viên, miệt mài trong cuộc giằng co những đứa con ra khỏi vỏ ốc của chứng tự kỷ. Lớp học luôn ồn ã ấy cứ nằm nép cạnh những lớp mầm non bình thường khác trong trường, cứ âm thầm ấp ủ những ước nguyện của các bà mẹ được đưa con thoát khỏi chứng bệnh lạ kỳ. Những người mẹ khác bắt đầu ôm con tìm đến lớp học mang tên “hi vọng” ấy…

Tháng 5-2008, chị Lan chính thức trở thành hiệu trưởng Trường mầm non Phước An. Gánh nặng càng dồn lên vai chị khi vừa phải duy trì những lớp mầm non thường và lớp chuyên biệt. Chị tuyển thêm giáo viên đưa đi đào tạo, vay mượn tiền để sửa sang, xây lại lớp học, mua dụng cụ học tập. Nhưng trở ngại lớn nhất là nhiều phụ huynh của các lớp bình thường vì định kiến và e ngại đã đưa con đi tìm trường khác.

Chị lại lặn lội tới từng nhà, gặp từng phụ huynh để thuyết phục rằng những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ cần một lớp học để được phục hồi, và việc vừa trị liệu vừa cho các bé hòa nhập với những đứa trẻ bình thường khác có thể đem lại cơ may thuyên giảm bệnh. Rằng có lẽ họ cũng sẽ làm như chị nếu số phận không cho họ làm cha, làm mẹ một cách suôn sẻ. Bởi chẳng có người mẹ nào là không xót con, chẳng người mẹ nào từ bỏ dù một chút hi vọng sẽ chữa được bệnh cho con, dù hi vọng ấy thật mong manh…

Người mẹ ấy giờ đã trở thành một chuyên gia về bệnh tự kỷ. Chị đi khắp nơi để học các bài tập vận động trị liệu và các phương pháp dạy trẻ tự kỷ để về hướng dẫn giáo viên trong trường. Chị túc trực bên những trường hợp tự kỷ nặng của lớp học để tìm cách lý giải những hành động lạ thường của các bé, như tự xé áo, bứt tóc, nhổ lông mày, dị ứng thức ăn, la hét, nhảy nhót không ngừng được… Chị xót xa khi nhìn những đứa trẻ ấy, hình ảnh con trai chị cách đây mười năm lại hiện lên.

Mười năm chị lạc lối, chị đau đớn nhìn người ta châm từng mũi kim lên cơ thể con và làm bé hoảng sợ nhưng vô tác dụng, chị như rơi vào mê cung của những lời khuyên can, cả những lời đàm tiếu. Nghĩ vậy, chị lại giục mình và những phụ huynh khác không để phí một phút, một giây nào trong quá trình phục hồi cho con.

Phương pháp can thiệp 1-1 (một cô – một trò) sử dụng cho các bé tự kỷ bắt đầu có những tín hiệu tốt lành, song quy mô của lớp học buộc chị phải từ chối những trường hợp tự kỷ quá nặng và những bé quá lớn. Chị rút ruột tâm sự: “Phải từ chối những người mẹ ấy là việc khó nhất trong đời”.

LƯUTRANG

 

 

http://tuoitre.vn/Giao-duc/289322/Ngoi-truong-mang-ten-“hi-vong”.html

Leave a comment