Can thiệp sớm để hòa nhập cộng đồng

Trường Mầm non Phước An (TP. Vũng Tàu) vừa tổ chức ngày hội cho trẻ tự kỷ với chủ đề “Phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ”. Đây là dịp để các bậc phụ huynh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình cũng như nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ.

Chị Phạm Thị Hạnh, ở đường 30-4, phường 9 (TP. Vũng Tàu) dẫn con gái là D.A đến tham gia ngày hội cho trẻ tự kỷ. Chị cho biết, trước đây do không biết về chứng tự kỷ nên khi con được 1 tuổi chị thấy cháu phát triển bình thường, chỉ hay sắp mọi thứ ngăn nắp và không chơi với người lạ. Khi bé lên 3 tuổi, tình trạng trên vẫn tiếp diễn và cháu vẫn không biết nói, chị nghi ngờ và đưa bé đi khám bác sĩ thì mới biết con mình mắc chứng tự kỷ. Qua bạn bè giới thiệu, chị đưa con đến trường Mầm non Phước An. Sau một năm điều trị, con chị đã biết nói và thường đòi bố mẹ chơi cùng các trò chơi. Chị Hạnh chia sẻ: “Được nghe cháu gọi ba, mẹ, vợ chồng tôi hạnh phúc lắm. Từ khi được tư vấn, hướng dẫn, chúng tôi thường thay nhau chơi đùa, kể chuyện, điều chỉnh hành vi của cháu nên cháu đã dần dần hồi phục. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin cho cháu đi học lớp 1 như những đứa trẻ bình thường khác”.

3

Trường Mầm non Phước An hiện có 60 học sinh, trong đó 30 em mắc chứng tự kỷ. Những em còn lại là trẻ phát triển bình thường. 30 trẻ tự kỷ được chia làm hai hệ để dạy dỗ, chăm sóc. Hệ mầm non gồm các em từ 1 đến 6 tuổi và hệ chuyên biệt trên 6 tuổi. Từ năm 2011 đến nay, trường đã có 7 trẻ tự kỷ thoát khỏi chứng tự kỷ có thể hòa nhập với cuộc sống và theo học ở các trường như bạn bè cùng độ tuổi.

Trường hợp cha con anh Nguyễn Hồng (36/36, đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP. Vũng Tàu) lại khác. Dịp này, anh đưa con trai Nguyễn Khánh H. từng mắc chứng tự kỷ về lại trường cũ tham dự ngày hội. Anh Hồng cho biết, trước đây, cháu không biết tự điều chỉnh hành vi của mình, thường hay lấy tay đập vào mặt, đầu và hay khóc khi ba mẹ mặc những cái áo khác màu… Khi được bác sĩ khám và tư vấn, anh mới biết con mình bị tự kỷ. Sau đó, anh đưa con đến trường Mầm non Phước An và sau 2 năm, bệnh tình của con anh đã cải thiện tích cực, có thể hòa nhập với cuộc sống. Hiện nay, Khánh H. đang học lớp 4 tại trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Vũng Tàu), trong đó 3 năm liền cháu đều đạt học sinh giỏi. Anh Hồng cho biết thêm, những ngày đầu con mới đi học, ngày nào anh cũng đến chơi với con vào những giờ giải lao. Anh thường mua kẹo bánh cho con rồi trò chuyện, động viên con. Dần dần, con anh hòa nhập với bạn bè, số lần thăm con của anh cũng giảm đi đến khi con thật sự bình thường mới thôi.

Cô Nguyễn Ngọc Nga, giáo viên trường Mầm non Phước An cho biết, trẻ mắc chứng tự kỷ thường không ý thức được hành vi, việc làm của mình. Mỗi em có một biểu hiện, cấu trúc tâm lý khác nhau nên khi chăm sóc trẻ, giáo viên phải quan sát biểu hiện của từng em, kiên nhẫn chỉnh sửa để trẻ có ý thức về bản thân và tự khẳng định mình. Điều quan trọng là trong lớp phải tạo môi trường hài hòa, thân thiện giữa cô và trò để trẻ có thể chia sẻ, trò chuyện với mình, giúp các em sớm trở lại là người bình thường để hòa nhập cộng đồng.

Cô Lê Thị Chính Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Phước An chia sẻ: “Phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ là một việc làm rất quan trọng và cấp thiết đối với các bậc phụ huynh. Khi con bị tự kỷ, phụ huynh phải có sự hiểu biết, nhạy bén và can đảm chấp nhận sự thật để tìm cách điều trị thích hợp cho con. Nếu được phát hiện, can thiệp sớm, cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng càng cao”.

Bài, ảnh: HUY PHƯƠNG

Leave a comment